Câu hỏi: Em năm nay 23 tuổi, Bố mẹ em đã ngoài 50 tuổi, từ khi em còn học cấp 2 là bố em thường xuyên đánh mẹ em, mỗi lần bố uống rượu về là lại vô cớ chửi bới, xúc phạm thậm chí là cầm ghế đuổi đánh mẹ em. Mỗi lần như vậy mẹ em chỉ biết chạy sang hàng xóm cầu cứu. Nếu mẹ em không về thì ở nhà bố mẹ lại đập phá tài sản của gia đình. Mẹ em đã quá mệt mỏi rồi, cũng muốn ly hôn nhưng sợ bố em lại đánh mẹ hoặc đánh em với em của em, nên mẹ em lại nhịn. Nhưng bây giờ em lớn rồi, em không thể để mẹ e chịu đựng mãi như vậy được. Em muốn hỏi Luật sư, liệu em có được quyền kiện về việc bố đánh mẹ không ạ? Nếu em kiện thì bố em sẽ bị xử lý như thế nào ạ?
Luật sư tư vấn
Gia đình là tế bào của xã hội. Mỗi một gia đình thịnh vượng sẽ góp phần tạo nên một xã hội tốt đẹp. Nói như thế để bạn có thể thấy rằng gia đình có vai trò quan trọng như thế nào đối với sự phồn vinh của đất nước. Một gia đình thường xuyên xảy ra cãi vã, đánh đập thì khó tạo ra một môi trường lành mạnh cho sự phát triển của các cá nhân trong đó. Bản thân bạn cũng hiểu bố mẹ bạn đã có tuổi, việc đánh đập, mắng chửi cũng chẳng có hay ho gì. Mẹ bạn cũng đã cam chịu và chịu khổ nhiều rồi và đã đến lúc bạn cần phải dừng lại hành động này.
Tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định những hành vi bạo lực gia đình như:
"a, Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
b, Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;"
Theo thông tin bạn trình bày thì bố bạn thường xuyên đánh đập và lăng nhục người mẹ con bạn, do vậy mẹ con bạn là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Theo khoản 1 Điều 5 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình thì mẹ con bạn trong trường hợp này có các quyền sau đây:
+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;
+ Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;
+ Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;
+ Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;
+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật”
Các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ cho người vợ trong trường hợp này được quy định cụ thể tại Điều 18 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình như sau:
+ Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp nhân viên y tế khi phát hiện bạo lực gia đình quy định tại khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 việc phát hiện hành vi bạo lực gia đình có dấu hiệu tội phạm tại cơ sở khám chữa bệnh.
+ Cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình”.
Như vậy, trong trường hợp này bạn hoàn toàn có thể:
- Nộp đơn tới Cơ quan công an xã, Ủy ban nhân dân xã trình bày về việc mẹ con bạn bị đánh đập, lăng mạ để cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
- Nếu hành vi bạo lực ở mức độ nghiêm trọng, tàn ác, gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe và tinh thần của mẹ con bạn thì bạn có thể nộp đơn tố cáo đến công an về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác người khác theo quy định tại Điều 134 của Bộ luật hình sự 2015.
Trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội theo Điều 134 trên thì bố bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 49 của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm hại sức khỏe thành viên trong gia đình như sau:
“Điều 49. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
- Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
+ Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này”.
Như vậy, bố bạn đã có hành vi ngược đãi, xâm phạm tính mạng sức khỏe của mẹ bạn trong thời gian dài, bố bạn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định nói trên.
-S-
MỌI THẮC MẮC QUÝ KHÁCH HÀNG VUI LÒNG LIÊN HỆ TỚI:
HOTLINE: 03.2518.2518
FB: LUẬT SƯ THÀNH ĐẠT/ LUẬT VÌ CHÂN LÝ
ZALO: 03.2518.2518
ĐỊA CHỈ: CS1: PHÒNG 1936, TÒA HH4C, KHU ĐÔ THỊ LINH ĐÀM, HOÀNG MAI, HÀ NỘI.
CS2: PHÒNG 1810, TÒA HH1A, KHU ĐÔ THỊ LINH ĐÀM, HOÀNG MAI, HÀ NỘI.
XIN TRÂN TRỌNG CẢM ƠN!